Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Làng cổ


Làng cổ

Sau khi các cơ quan truyền thông và các cơ quan chuyên ngành của Sở Văn Hóa Thông Tin Thể Thao và Du Lịch của thành phố đưa tin về cuộc khai quật khu phế tích của người Chămpa ở thôn 3 làng cổ Phong Lệ, thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ,Thành Phố Đà Nẵng vào những tháng cuối năm 2012 đã làm cho cái tính tò mò trong tôi thức dậy. Tôi thấy rất vui và dự định dành thời gian để đi tìm hiểu và dĩ nhiên điều trước tiên là tôi phải nhờ vào nhà mạng Google để đi tìm manh mối.
Sau khi tìm hiểu thật cơ bản trên nhà mạng về những thông tin mình cần tìm và hỏi thăm một số bạn bè thân thiết về vị trí của làng Phong Lệ ,tôi liền một mình phóng xe đi tìm. Theo lời mách bảo của bạn bè, tôi đi dọc theo con đường mới sát bờ sông Cẩm Lệ về hướng tây lên gần sát quốc lộ một và gặp nhiều người dân ở các vùng quanh đó để hỏi làng Phong Lệ có di tích của người Chămpa mới được khai quật thì có đến 90% người được hỏi thì họ đều trả lời là không biết và chưa nghe ai nói đến việc đó bao giờ. Phần lớn họ đều là dân ngụ cư, một số khác là dân mới đến ở theo diện quy hoạch của thành phố. Có người cẩn thận hơn thì khuyên tôi nên đến Ủy Ban Phường Hòa Thọ Đông để hỏi thì chắc ăn hơn.
Tôi đi tìm trụ sở UB phường thì không khó và khi đến nơi rồi tôi lại không vào vì là ngày thứ 7 không có ai làm việc, hơn nữa mình đi tham quan tìm hiểu với tư cách cá nhân mà nhỡ họ đòi giấy tờ giới thiệu này nọ thì phiền phức quá. Tôi sực nghĩ hay là làng Phong Lệ ở gần làng Phong Nam trên đường vào Hòa Tiến. Nghĩ là đi ngay, tôi quay đầu xe chạy một mạch vào hướng Hòa Tiến đi được nửa đường thì đên một ngã ba rẽ trái tôi hỏi thăm một bà cụ ở nhà kế bên gốc cây đa và một khu miếu cổ thì được bà cho biết đây là miếu âm dương và đúng là làng Phong Lệ, còn cái chuyện di tích Chăm gì đó thì bà không rõ và khuyên tôi vào trong làng hỏi thêm.
Tôi cám ơn bà cụ rồi chạy xe vào làng,đường làng bây giờ đều được trãi bê tông rất sạch và rộng rãi, nhiều lũy tre trùm mát rượi lên những con đường và trẻ con tụm năm tụm ba đùa chơi trên đường rất hồn nhiên vui vẻ. Đi được một đoạn khá xa,đến một ngã ba tôi thấy nhiều người dân xúm quanh một cái bàn được kê dưới khóm tre xanh tốt, hỏi thăm thì được bà con cho biết là dân làng đang nộp thuế đất nông nghiệp cho xã. Nhìn quanh thì làng cũng có rất nhiều đền thờ miếu mạo, nhưng phần lớn là nhà thờ của các tộc họ trong làng. Có một anh vừa từ bàn nộp thuế đi ra có lẽ anh vừa làm xong nghĩa vụ của mình, tôi đến hỏi thăm thì anh bảo đây đúng là làng Phong Lệ, nhưng trong làng không có di tích nào của người Chăm cả và anh bảo tôi hỏi ông trưởng thôn đang ngồi trong bàn thu thuế kia thì sẽ rõ hơn.
Nói xong anh lên xe máy đi vòng vào xóm trong và tôi lại đi lanh quanh để chờ vắng người thì sẽ vào gặp anh trưởng thôn. Buổi sáng ở làng quê thật là êm ả, gió từ cánh đồng ngoài kia thổi vào nhè nhẹ và rất nhiều tiếng chim sẻ hót ríu rít trên các bờ tre nghe thật vui tai. Lúc nầy bàn thu thuế đã vắng người, tôi đến chào anh trưởng thôn và nói ý định cuả mình để nhờ anh giúp. Anh vui vẻ tươi cười và bảo tôi rằng:
           - Di tích đó nằm ở Phường Hòa Thọ rồi. Vậy thì anh đi trở ra quốc lộ một, qua khỏi Cầu Đỏ khoảng 100 mét về tay phải hỏi thăm bà con ở đó thì họ sẽ chỉ cho.
Tôi cám ơn và dắt xe quay đi, anh trưởng thôn còn dặn theo
            - Nhớ là hỏi thăm mấy người già thì mới chắc ăn nghe.
Tôi lại cám ơn lần nữa và lên xe chạy trở ra theo sự chỉ dẫn của anh trưởng thôn. Đến đúng cự ly đã định, tôi rẽ vào một con đường kiệt nhỏ chạy vòng vèo được một lúc thì gặp một chị cắp giỏ đi chợ, tôi dừng xe và hỏi thăm thì chị giúp ngay:
             - Đây đúng là làng Phong Lệ và di tích Chăm thì ở xóm dưới kia gần sát bờ sông.
Tôi hỏi từ đây đến đó có xa không thì chị bảo là không xa lắm nhưng đường xóm ngoằn ngèo phải có người dẫn thì mới dễ tìm.
             - Chú cứ đi theo con đường này, đến ngã ba thì rẽ phải đi ra sau lưng trường học rồi hỏi người ta chỉ tiếp cho.
Tôi cám ơn và đi theo sự hướng dẫn của chị, các đường kiệt ở đây cũng được tráng bê tông hết, làng xóm tuy gần phố mới nhưng lại rất yên tỉnh, nhiều khu nhà có vườn rộng trồng đầy hoa và cây ăn quả, nhất là có những cây cau xếp thẳng hàng và dưới gốc có những khóm trầu bám chung quanh xanh tốt sum suê, đường đi vào giữa làng mỗi lúc mỗi cao có lẽ như trước đây là một ngọn đồi thấp. Đến ngã ba, tôi nghe tiếng đục gõ của một trại mộc liền dừng xe lại và vào hỏi thăm một cụ ông trạc hơn 70 tuổi nhưng còn khỏe và hoạt bác lắm.
Sau khi nghe tôi trình bày cụ liền hỏi:
             - Chớ chú là cán bộ trên thành phố về hả?
Tôi lắc đầu và phải giải thích đây chỉ là cuộc tham quan tìm hiểu cá nhân chứ không phải của tổ chức hay cơ quan nào hết và cụ ông liền bảo:
             - Thôi được rồi,chú chở tui đi để tui chỉ đường cho.
Tôi mừng quá liền nổ máy xe và chạy theo sự hướng dẫn của cụ. Đi quanh co một lúc và cụ chỉ tôi chạy thẳng ra hướng bờ sông rồi dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ có mấy đứa trẻ đang chơi trò chơi kẻ ô trên đường đất lởm chởm ghồ ghề. Khi tôi dựng xe xong, thì cụ vừa đi vừa chỉ tay vào khu vườn trên một gò đất chung quanh toàn chuối và mít và nói:
             - Chỗ họ đào có dấu tích của người Chiêm Thành xưa là ở trên nớ đó, nhưng họ đem đi hết rồi, chừ chỉ còn mấy cái hố sâu mà thôi.
Tôi lặng lẽ đi theo cụ ngang qua mấy bức bình phong đã phủ rêu mờ và nghe cụ giải thích:
             - Đây là Miếu Thờ Thần Nông của Làng Phong Lệ, còn kia là Dinh Bà linh lắm đó.
Cụ dẫn tôi đi vào khu khai quật và hướng dẫn thêm:
             - Chung quanh đây còn dấu tích của một bức tường gạch, còn lại là nền móng của thành cổ mới vừa được đào lên.
Cụ say sưa kể về dấu vết của người Chămpa vừa mới được khai quật trên làng quê mình: nào là những viên gạch bàn có đến hàng mấy trăm năm tuổi, nào là những con sư tử đá nặng đến hàng chục ký đã được đào lên từ cái hố vuông kia mà người dân đào móng nhà phát hiện đem bán có đến hàng chục triệu đồng và một số những cổ vật giá trị khác......
Tôi nhìn xuống một cái hố vuông mỗi cạnh khoảng 10 mét và sâu khoảng 4 mét mà chung quanh được xây bằng những viên gạch bàn và dưới đáy hố là những viên đã granic cùng với cát vàng óng. Theo tài liệu của đoàn khảo cổ thì hố nầy được các nhà chuyên môn gọi là “Hố Thiêng” và bí ẩn ở chỗ không hiểu người Chăm xưa dùng cát vàng và đá granic đổ vào đó để làm gì. Hiện người ta đã dựng một khung nhà tạm và dùng bạc nylon che để bảo vệ hố. Thấy tôi có vẻ trầm tư cụ ông liền bảo:
              - Răng mà chú thừ người ra rứa? Xuống đây tui chỉ cho xem cái nầy.
Tôi lại lật đật đi theo ông cụ xuống khu vực khai quật lộ thiên cách đó vài ba chục mét nằm ở dưới thấp về phía đông nam sát ngay cạnh nhà ở của dân làng. Tại đây tôi thấy đoàn khảo cổ đã thuê người đào một con mương dài quanh khu vực giống như phòng tuyến giao thông hào trong chiến tranh, như là để khoanh vùng thăm dò xem trong lòng đất chung quanh có dấu hiệu gì về gạch móng tháp hay không và đến lúc nầy tôi mới để ý là đất ở đây là đất đỏ có dạng màu như đất núi.
Trong cái hố khai quật lộ thiêng nầy có một tảng đá sa thạch hình chữ nhật kích thước độ chừng 500x600 (không biết dài là bao nhiêu) và nằm nghiêng bên cạnh một tảng đá khác lộ ra trên mặt hố khoảng 2 tấc. Cách đó chừng một mét có một tảng đá sa thạch khá lớn giống như một bệ thờ với những nét hoa văn chạm trỗ sắc sảo và tảng đá nầy cũng nằm trong tư thế nghiêng so với mặt hố. Thấy tôi đứng săm se bên mấy tảng đá, ông cụ bảo sao không chụp ảnh mà cứ đứng nhìn mãi vậy. Nghe ông cụ bảo thế tôi thấy tiếc thật, vì tôi không có máy ảnh, định lấy điện thoại ra chụp thì cái “cục gạch” của tôi nó ẹ hơn cái cục gạch của người Chăm mà tôi đang chiêm ngưỡng đây nên thôi. Bất giác ông cụ hỏi tôi:
               - Còn mấy ngôi mộ cổ ở dưới đó chú có thấy không?
Theo tay chỉ của cụ tôi nhìn xuống thấy hai ngôi mộ rất xưa nằm trong vườn chuối um tùm. Nhà bia đều khắc bằng chữ nho và chung quanh thành mộ và nấm mộ đều được cẩn bằng những mảnh sành sứ nhiều màu. Tôi định đi xuống xem những ngôi mộ ấy thế nào nhưng nghĩ lại cái vốn chữ nho kém cỏi của mình nên thôi, bèn quay sang hỏi ông cụ về lai lịch của những ngôi mộ cổ đó thì ông cụ bảo rằng ông cũng không rõ là mấy.
Tôi cứ nghĩ là khu phế tích chỉ có thế, nhưng ông cụ bảo trong lòng đất của làng Phong Lệ có thể còn nhiều dấu tích của người Chiêm Thành mà mình không đủ điều kiện để khai quật hết được. Tôi và ông cụ rời khu phế tích lúc ấy gần 11 giờ trưa và tôi chở ông cụ trả về nhà chu đáo. Tôi dắt xe ra ngõ thì ông cụ nói với theo:
              - Lúc mô muốn lên chơi có cần thì tui sẽ dẫn đi nữa nghe, mà nhớ đem theo cái máy ảnh hỉ.
Tôi cám ơn ông cụ và nổ máy xe ra về mà trong lòng còn tiếc rẽ, giá như tôi có được những thứ cần thiết cho một chuyến tham quan như thế nầy thì hay biết mấy và nhất là có thêm anh Tư Khảo Cổ cùng đi nữa thì trên cả tuyệt vời, thôi đành vậy chứ biết làm sao! Tôi đi trở ra khu nhà chung cư dành cho người thu nhập thấp nơi mà lúc ban sáng tôi đi lòng vòng mãi không tìm ra được làng Phong Lệ thì thật buồn cười. Gió dưới sông thổi lên mát rượi làm hồn tôi thấy như ngây ngất mê say.

                                                                        26/2/2013

                                                                       Trầm Kha 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét