Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Về Phong Lệ


Về Phong Lệ

Một chiều Phong Lệ ta về
Gió từ sâu thẳm tỉ tê gọi mời
Nhìn dòng sông Cẩm sa khơi
Long lanh đáy nước một thời Chămpa
Dấu xưa đền tháp nguy nga
Đất vùi trong đất ngỡ là chiêm bao
Hố thiêng chôn chặt khát khao
Khán thờ bí ẩn nẽo vào tâm linh
Vẫn là mơ ước nhân sinh
Linga quyện chặt duyên tình Yoni
Ai về Phong Lệ -Đà Ly*
Ngàn năm phế tích nhớ gì trong quên
Rong rêu thành quách lâu đền
Áo xiêm tha thướt còn trên đất nầy
Đà Ly -Phong Lệ đổi thay
Làng quê hóa phố mỗi ngày mỗi xa
Linh thiêng gió hú Dinh Bà**
Tháp nghiêng Quá Giáng*** miếu ngà Thần Nông**
Trống rung lễ rước mục đồng**
Qua đình thờ tổ nhớ “Ông” đổi làng
An Sơn cổ tự nhìn sang****
Lên Gò Cấm Mít tháp tàn Xuân Dương****
Quốc kêu thổn thức chiều sương
Từ trong lòng đất vô thường hồn Chiêm.

                                                      19/02/2013

                                            Tiêu Đầu Hàn Giang Phố
Chú thích:
*Làng Phong Lệ (Nay ở thôn 3, phường Hòa Thọ Đông,quận Cẩm Lệ, TPĐN) từ thời xưa làng có tên là làng Đà Ly. Đến thời vua thiệu Trị năm thứ nhất (1841) khi Ông Ích Khiêm ra Huế làm quan thì làng được đổi tên thành làng Phong Lệ cho đến bây giờ.
**Dinh Bà và Miếu Thần Nông nằm trong khu phế tích đang khai quật tại Thôn 3 và lễ rước mục đồng là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của làng Phong Lệ.
***Phế tích Tháp Quá Giáng (thuộc thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TPĐN).
****Tháp chăm Xuân Dương (ở thôn Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, Quận Liên Chiểu, TPĐN), tháp Chăm ở gò Cấm Mít (ở thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang,TPĐN) và quần thể tháp chăm ở An Sơn cổ tự gần núi Phước Tường TPĐN) là những phế tích đang được các cơ quan chức năng của thành phố lên kế hoạch để khai quật và trùng tu.

 

Làng cổ


Làng cổ

Sau khi các cơ quan truyền thông và các cơ quan chuyên ngành của Sở Văn Hóa Thông Tin Thể Thao và Du Lịch của thành phố đưa tin về cuộc khai quật khu phế tích của người Chămpa ở thôn 3 làng cổ Phong Lệ, thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ,Thành Phố Đà Nẵng vào những tháng cuối năm 2012 đã làm cho cái tính tò mò trong tôi thức dậy. Tôi thấy rất vui và dự định dành thời gian để đi tìm hiểu và dĩ nhiên điều trước tiên là tôi phải nhờ vào nhà mạng Google để đi tìm manh mối.
Sau khi tìm hiểu thật cơ bản trên nhà mạng về những thông tin mình cần tìm và hỏi thăm một số bạn bè thân thiết về vị trí của làng Phong Lệ ,tôi liền một mình phóng xe đi tìm. Theo lời mách bảo của bạn bè, tôi đi dọc theo con đường mới sát bờ sông Cẩm Lệ về hướng tây lên gần sát quốc lộ một và gặp nhiều người dân ở các vùng quanh đó để hỏi làng Phong Lệ có di tích của người Chămpa mới được khai quật thì có đến 90% người được hỏi thì họ đều trả lời là không biết và chưa nghe ai nói đến việc đó bao giờ. Phần lớn họ đều là dân ngụ cư, một số khác là dân mới đến ở theo diện quy hoạch của thành phố. Có người cẩn thận hơn thì khuyên tôi nên đến Ủy Ban Phường Hòa Thọ Đông để hỏi thì chắc ăn hơn.
Tôi đi tìm trụ sở UB phường thì không khó và khi đến nơi rồi tôi lại không vào vì là ngày thứ 7 không có ai làm việc, hơn nữa mình đi tham quan tìm hiểu với tư cách cá nhân mà nhỡ họ đòi giấy tờ giới thiệu này nọ thì phiền phức quá. Tôi sực nghĩ hay là làng Phong Lệ ở gần làng Phong Nam trên đường vào Hòa Tiến. Nghĩ là đi ngay, tôi quay đầu xe chạy một mạch vào hướng Hòa Tiến đi được nửa đường thì đên một ngã ba rẽ trái tôi hỏi thăm một bà cụ ở nhà kế bên gốc cây đa và một khu miếu cổ thì được bà cho biết đây là miếu âm dương và đúng là làng Phong Lệ, còn cái chuyện di tích Chăm gì đó thì bà không rõ và khuyên tôi vào trong làng hỏi thêm.
Tôi cám ơn bà cụ rồi chạy xe vào làng,đường làng bây giờ đều được trãi bê tông rất sạch và rộng rãi, nhiều lũy tre trùm mát rượi lên những con đường và trẻ con tụm năm tụm ba đùa chơi trên đường rất hồn nhiên vui vẻ. Đi được một đoạn khá xa,đến một ngã ba tôi thấy nhiều người dân xúm quanh một cái bàn được kê dưới khóm tre xanh tốt, hỏi thăm thì được bà con cho biết là dân làng đang nộp thuế đất nông nghiệp cho xã. Nhìn quanh thì làng cũng có rất nhiều đền thờ miếu mạo, nhưng phần lớn là nhà thờ của các tộc họ trong làng. Có một anh vừa từ bàn nộp thuế đi ra có lẽ anh vừa làm xong nghĩa vụ của mình, tôi đến hỏi thăm thì anh bảo đây đúng là làng Phong Lệ, nhưng trong làng không có di tích nào của người Chăm cả và anh bảo tôi hỏi ông trưởng thôn đang ngồi trong bàn thu thuế kia thì sẽ rõ hơn.
Nói xong anh lên xe máy đi vòng vào xóm trong và tôi lại đi lanh quanh để chờ vắng người thì sẽ vào gặp anh trưởng thôn. Buổi sáng ở làng quê thật là êm ả, gió từ cánh đồng ngoài kia thổi vào nhè nhẹ và rất nhiều tiếng chim sẻ hót ríu rít trên các bờ tre nghe thật vui tai. Lúc nầy bàn thu thuế đã vắng người, tôi đến chào anh trưởng thôn và nói ý định cuả mình để nhờ anh giúp. Anh vui vẻ tươi cười và bảo tôi rằng:
           - Di tích đó nằm ở Phường Hòa Thọ rồi. Vậy thì anh đi trở ra quốc lộ một, qua khỏi Cầu Đỏ khoảng 100 mét về tay phải hỏi thăm bà con ở đó thì họ sẽ chỉ cho.
Tôi cám ơn và dắt xe quay đi, anh trưởng thôn còn dặn theo
            - Nhớ là hỏi thăm mấy người già thì mới chắc ăn nghe.
Tôi lại cám ơn lần nữa và lên xe chạy trở ra theo sự chỉ dẫn của anh trưởng thôn. Đến đúng cự ly đã định, tôi rẽ vào một con đường kiệt nhỏ chạy vòng vèo được một lúc thì gặp một chị cắp giỏ đi chợ, tôi dừng xe và hỏi thăm thì chị giúp ngay:
             - Đây đúng là làng Phong Lệ và di tích Chăm thì ở xóm dưới kia gần sát bờ sông.
Tôi hỏi từ đây đến đó có xa không thì chị bảo là không xa lắm nhưng đường xóm ngoằn ngèo phải có người dẫn thì mới dễ tìm.
             - Chú cứ đi theo con đường này, đến ngã ba thì rẽ phải đi ra sau lưng trường học rồi hỏi người ta chỉ tiếp cho.
Tôi cám ơn và đi theo sự hướng dẫn của chị, các đường kiệt ở đây cũng được tráng bê tông hết, làng xóm tuy gần phố mới nhưng lại rất yên tỉnh, nhiều khu nhà có vườn rộng trồng đầy hoa và cây ăn quả, nhất là có những cây cau xếp thẳng hàng và dưới gốc có những khóm trầu bám chung quanh xanh tốt sum suê, đường đi vào giữa làng mỗi lúc mỗi cao có lẽ như trước đây là một ngọn đồi thấp. Đến ngã ba, tôi nghe tiếng đục gõ của một trại mộc liền dừng xe lại và vào hỏi thăm một cụ ông trạc hơn 70 tuổi nhưng còn khỏe và hoạt bác lắm.
Sau khi nghe tôi trình bày cụ liền hỏi:
             - Chớ chú là cán bộ trên thành phố về hả?
Tôi lắc đầu và phải giải thích đây chỉ là cuộc tham quan tìm hiểu cá nhân chứ không phải của tổ chức hay cơ quan nào hết và cụ ông liền bảo:
             - Thôi được rồi,chú chở tui đi để tui chỉ đường cho.
Tôi mừng quá liền nổ máy xe và chạy theo sự hướng dẫn của cụ. Đi quanh co một lúc và cụ chỉ tôi chạy thẳng ra hướng bờ sông rồi dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ có mấy đứa trẻ đang chơi trò chơi kẻ ô trên đường đất lởm chởm ghồ ghề. Khi tôi dựng xe xong, thì cụ vừa đi vừa chỉ tay vào khu vườn trên một gò đất chung quanh toàn chuối và mít và nói:
             - Chỗ họ đào có dấu tích của người Chiêm Thành xưa là ở trên nớ đó, nhưng họ đem đi hết rồi, chừ chỉ còn mấy cái hố sâu mà thôi.
Tôi lặng lẽ đi theo cụ ngang qua mấy bức bình phong đã phủ rêu mờ và nghe cụ giải thích:
             - Đây là Miếu Thờ Thần Nông của Làng Phong Lệ, còn kia là Dinh Bà linh lắm đó.
Cụ dẫn tôi đi vào khu khai quật và hướng dẫn thêm:
             - Chung quanh đây còn dấu tích của một bức tường gạch, còn lại là nền móng của thành cổ mới vừa được đào lên.
Cụ say sưa kể về dấu vết của người Chămpa vừa mới được khai quật trên làng quê mình: nào là những viên gạch bàn có đến hàng mấy trăm năm tuổi, nào là những con sư tử đá nặng đến hàng chục ký đã được đào lên từ cái hố vuông kia mà người dân đào móng nhà phát hiện đem bán có đến hàng chục triệu đồng và một số những cổ vật giá trị khác......
Tôi nhìn xuống một cái hố vuông mỗi cạnh khoảng 10 mét và sâu khoảng 4 mét mà chung quanh được xây bằng những viên gạch bàn và dưới đáy hố là những viên đã granic cùng với cát vàng óng. Theo tài liệu của đoàn khảo cổ thì hố nầy được các nhà chuyên môn gọi là “Hố Thiêng” và bí ẩn ở chỗ không hiểu người Chăm xưa dùng cát vàng và đá granic đổ vào đó để làm gì. Hiện người ta đã dựng một khung nhà tạm và dùng bạc nylon che để bảo vệ hố. Thấy tôi có vẻ trầm tư cụ ông liền bảo:
              - Răng mà chú thừ người ra rứa? Xuống đây tui chỉ cho xem cái nầy.
Tôi lại lật đật đi theo ông cụ xuống khu vực khai quật lộ thiên cách đó vài ba chục mét nằm ở dưới thấp về phía đông nam sát ngay cạnh nhà ở của dân làng. Tại đây tôi thấy đoàn khảo cổ đã thuê người đào một con mương dài quanh khu vực giống như phòng tuyến giao thông hào trong chiến tranh, như là để khoanh vùng thăm dò xem trong lòng đất chung quanh có dấu hiệu gì về gạch móng tháp hay không và đến lúc nầy tôi mới để ý là đất ở đây là đất đỏ có dạng màu như đất núi.
Trong cái hố khai quật lộ thiêng nầy có một tảng đá sa thạch hình chữ nhật kích thước độ chừng 500x600 (không biết dài là bao nhiêu) và nằm nghiêng bên cạnh một tảng đá khác lộ ra trên mặt hố khoảng 2 tấc. Cách đó chừng một mét có một tảng đá sa thạch khá lớn giống như một bệ thờ với những nét hoa văn chạm trỗ sắc sảo và tảng đá nầy cũng nằm trong tư thế nghiêng so với mặt hố. Thấy tôi đứng săm se bên mấy tảng đá, ông cụ bảo sao không chụp ảnh mà cứ đứng nhìn mãi vậy. Nghe ông cụ bảo thế tôi thấy tiếc thật, vì tôi không có máy ảnh, định lấy điện thoại ra chụp thì cái “cục gạch” của tôi nó ẹ hơn cái cục gạch của người Chăm mà tôi đang chiêm ngưỡng đây nên thôi. Bất giác ông cụ hỏi tôi:
               - Còn mấy ngôi mộ cổ ở dưới đó chú có thấy không?
Theo tay chỉ của cụ tôi nhìn xuống thấy hai ngôi mộ rất xưa nằm trong vườn chuối um tùm. Nhà bia đều khắc bằng chữ nho và chung quanh thành mộ và nấm mộ đều được cẩn bằng những mảnh sành sứ nhiều màu. Tôi định đi xuống xem những ngôi mộ ấy thế nào nhưng nghĩ lại cái vốn chữ nho kém cỏi của mình nên thôi, bèn quay sang hỏi ông cụ về lai lịch của những ngôi mộ cổ đó thì ông cụ bảo rằng ông cũng không rõ là mấy.
Tôi cứ nghĩ là khu phế tích chỉ có thế, nhưng ông cụ bảo trong lòng đất của làng Phong Lệ có thể còn nhiều dấu tích của người Chiêm Thành mà mình không đủ điều kiện để khai quật hết được. Tôi và ông cụ rời khu phế tích lúc ấy gần 11 giờ trưa và tôi chở ông cụ trả về nhà chu đáo. Tôi dắt xe ra ngõ thì ông cụ nói với theo:
              - Lúc mô muốn lên chơi có cần thì tui sẽ dẫn đi nữa nghe, mà nhớ đem theo cái máy ảnh hỉ.
Tôi cám ơn ông cụ và nổ máy xe ra về mà trong lòng còn tiếc rẽ, giá như tôi có được những thứ cần thiết cho một chuyến tham quan như thế nầy thì hay biết mấy và nhất là có thêm anh Tư Khảo Cổ cùng đi nữa thì trên cả tuyệt vời, thôi đành vậy chứ biết làm sao! Tôi đi trở ra khu nhà chung cư dành cho người thu nhập thấp nơi mà lúc ban sáng tôi đi lòng vòng mãi không tìm ra được làng Phong Lệ thì thật buồn cười. Gió dưới sông thổi lên mát rượi làm hồn tôi thấy như ngây ngất mê say.

                                                                        26/2/2013

                                                                       Trầm Kha 

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Tết Trăng


Tết trăng

Hình như lâu rồi làng 12A3 của chúng ta không có tục lệ Tết Trăng (Nguyên Tiêu), vì vậy mà chẳng mấy ai quan tâm đoái hoài đến chuyện nầy. Nói không có thì cũng không đúng mà chỉ có đâu một lần rồi thôi mà chẳng có chủ đề chủ thể chi cả, mạnh ai nấy làm một cách tùy hứng. Nhìn lại lực lượng “lều thơ” của làng ta thì chỉ đếm trên đầu ngón tay vì thế có trách thì lại thêm mang tội mà thôi. Tui nhớ trước đây có nhà thơ Thanh Thám (Nguyễn Đăng Châu), nhà thơ đau dạ dày (Nguyễn Đức Tấn), Lý Phó (Diệu Minh) và nhà thơ Ngọc Tuyết (đã bỏ làng đi từ rất lâu). Rồi sau hơn 30 năm gặp lại, làng ta xuất hiện thêm mấy cái lều thơ mới như Cạn Hồ Trường (Nguyễn Hoàng Minh), nhà thơ câu một (BaGa -Bùi Đức Nhược), nhà thơ ghép Lê Nguyễn Hát Bình Phương, nhà thơ Tư Mắt Kiếng và thêm một đống kẻ mạo danh nhà thơ đã lẽn vào làm mất an ninh trật tự làng ta.
Nhà nước cho phép Bộ Văn Hóa lấy ngày Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng giêng âm lịch hằng năm) để làm Ngày Thơ Việt Nam đến nay đã được 10 năm,  trong 10 năm ấy đã có biết bao nhiêu tài năng thơ ca nở rộ với hàng nghìn hàng nghìn tác phẩm thơ ra đời đã làm cho những người yêu thơ mát lòng mát dạ. Và chủ đề thơ Nguyên Tiêu năm nay là “Tuổi trẻ và Tổ quốc” được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
Từ đó “Ngày Thơ Việt Nam”còn được tổ chức hầu hết ở các thành phố quận huyện trong cả nước để tạo nên một âm vang về thơ ca Việt Nam trong đời sống tinh thần của dân tộc. Có thể nói “Ngày Thơ Việt Nam” là ngày hội văn hóa đặc thù để tôn vinh giá trị và những thành quả của thơ ca nước nhà.
Gần đây làng 12a3 của chúng ta cũng đã có nhiều tác phẩm thơ của các tác giả Ngọc Tuyết, Lãng Tử, Nguyễn Đức Tấn ra đời và có một số bài thơ của các tác giả khác được đăng trong các tạp chí và báo ngày ở các thành phố và địa phương. Đó là những tín hiệu đáng mừng báo hiệu cho sự khởi sắc về thơ ca của làng ta trên bước đường hội nhập.
Hôm nay là ngày 13 tháng giêng âm lịch, được sự đồng ý và cho phép của Trưởng Làng và của Ban Biên Tập Giao Mùa. Chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu một số tác phẩm của các nhà thơ làng ta gửi về tham dự “Ngày hội thơ của làng”  để gọi là hưởng ứng Ngày Thơ Việt Nam và góp phần làm ngày cho tết Nguyên Tiêu thêm hoành tráng.


TÌNH TỰ CÙNG EM

Anh chào đời trước em ba mùa xuân
Xuân này nữa, sáu mươi-anh tròn tuổi
Năm mươi bảy- em vẫn còn tươi trẻ
Xuân đất trời thêm thắm má hồng tươi.

Anh gặp em ngày dân tộc rạng ngời
Triệu triệu trái tim dạt dào hạnh phúc
Cùng bắt nhịp hát bài ca độc lập
Núi sông này lặp lại “khải hoàn ca”.

Giữa hạnh phúc muôn người có hạnh phúc của đôi ta
Nên anh quý những gì mình có được
Tình anh trao em có tình yêu đất nước
Nặng ân tình, máu thịt của cha ông .

Ta cùng nhau đi qua những khúc sông
Những chặng đường đầy gian nan thử thách
Chuyện áo cơm suốt một thời bao cấp
Sá gì đâu so với chuyện nghĩa tình.

Ba lăm năm từ ngày cưới chúng mình
Em tần tảo như... chưa bao giờ tần tảo
Trong cái khổ chưa bao giờ than thở
Ba đứa con vẫn sống tốt giữa đời.

Giống cụ Tú Xương, anh đâu nói được nên lời:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc”
Suốt tháng quanh năm không khi nào em khác
Bươn chải chợ đời như Bà Tú “mom sông”.

Lỡ “Có chồng hờ hững cũng như không”
Anh vấn vít còng lưng theo chữ nghĩa
Những con chữ gầy còm,giờ đây anh thấm thía
Rao giảng hụt hơi vẫn chỉ chiếc nón cời.

Ròng rã hai bảy năm mãi kiếp sống nhờ
Chỗ ở có khi phải đấu tranh giành giật
Đâu phải ta ham gì hơn thua được mất
Mà bởi vì cuộc sống phải “an cư”.

Cuộc sống không bao giờ như một trang thơ
Mơ với mộng gửi hồn theo mây gió
Phận đời anh giờ đây em đã rõ
Anh được sinh ra để gắn với đời em.

Phận đời anh làm trĩu nặng vai mềm
Ba thỏi vàng ròng-anh và em tạo được
Công lớn phần em,không thể khác
Mở lời cám ơn-thù tạc, khác chi lời...

Thôi thì cám ơn đời, vì đời nay đổi khác
Mơ được an cư giờ đã được ước nguyền
Con cái nay đều là người thành đạt
Gian khổ qua rồi ta có được bình yên.

Nhìn lại cuộc đời dài, anh vẫn mãi hàm ơn
Ơn người lạ,người quen và ơn em nhiều lắm
Tất cả ơn,anh cất vào sâu thẳm
Nợ ơn này anh giữ mãi trăm năm.

Nay tuổi đời trả ta về lại dưới mái hiên
Chặng đường còn dài nhưng đôi chân đã mỏi
Nhắp tách cà phê thơm vào mỗi sáng
Rong ruỗi nhiều rồi,ta dừng lại ngắm người đi.

Ta dừng lại cái thời em cất bước vu quy
Để thấy lòng mình tươi nguyên như thời trai trẻ
Như xuân của đất trời sắp đến rồi em nhé
Đôi én- bầu trời... đang báo hiệu ngoài kia.

                                                  22/12/2012
                                   
                                 Lê Nguyễn Hát Bình Phương.





CHÙM THƠ MẠC NHÂN

Bịt

Ngày xưa Uy Viễn Tướng Công
Lấy mo cau bịt... để không thấy đời
Ngày nay con cháu chịu chơi
Dùng giấy bịt miệng nuốt lời thế gian.

Vay

Chọc trời khuấy nước vẫy vùng
Mỗi mình Từ Hải anh hùng mấy tay
Cuộc đời vay trả trả vay
Câu Kiều đẫm lệ lưu đày nhân sinh
Anh hùng trên chốn trường tình
Tố Như thức dậy thấy mình lẻ loi.

Đổ

Người ta kỷ luật về vườn
Còn mình kỷ luật thì trườn lên cao
Đến khi bị hạ nốc ao
Đổ thừa năng lực nháo nhào kêu oan.

Gạn

Lương tri gạn hỏi lương tâm
Răng đâu mà cắn hay nhầm miệng tôi
Trái tim chỉ đạo hết rồi
Đến khi phải tội thì còng mỗi tay.
Trò đời nghĩ cũng hay hay
Phạm rồi lại đỗ họ nầy mới ghê.

Uốn

Bắt thang lên hỏi ông trời nhỉ
Nghe nói quan tham diệt hết rồi
Còn sót vị nào đi tu tất
Uốn ba tất lưỡi cuốn tòa sen.



Tiêu

Gác tay lên trán nghĩ mà tức
Tiêu sướng không tiêu mà tiêu cực
Đày tớ cố cùng nên bội thực
Để chủ ăn mày khổ cái thân.



Oai hùm

Con mèo cố đấm ăn xôi
Tha miếng thịt mỡ người đôi chết mèo
Con cọp rinh cả con heo
Người rúm lại dám nhìn theo vái dài.

                                             Mạc Nhân




Dốc tình

Khói sương truông dốc cuộc tình
Hoàng hôn lãng đãng dáng hình hanh hao
Ru người tàn giấc chiêm bao
Ru ta cạn hết xanh xao tháng ngày.

Gọi người trong tỉnh mà say
Gọi ta trắng hết đôi tay nợ nần
Vay thêm một chút phong trần
Dẫu là ảo ảnh phù vân đãi người.

Chắt chiu ky cóp nụ cười
Thương thời mười tám đôi mươi đoạn đành
Sợi tình áo trắng mong manh
Cũng xin gói lại để dành cho nhau.

Có không người hỡi kiếp sau
Hay là cũng chỉ nỗi đau nát lòng
Tình đi úa những chờ mong
Tình về héo hắt biển ròng buồn vui.

Lá rơi luống những ngậm ngùi
Đá lăn lóc đá khóc cười mình ta   
Vượt qua đỉnh dốc tình già
Với tay níu lại dáng ngà người xưa.

                                                 Dzu Tử







Thắp lửa tình quê

Em về Phong Lệ không em
Bên dòng sông Cẩm êm đềm lặng trôi
Bờ nào bên lỡ bên bồi
Bờ nào xéo nát mồ côi thân cò

Về nghe em luống hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò xưa đâu           
Nhớ thời củi quế gạo châu
Con cua con ốc cọng rau ấm lòng

Chờ em chín những hoài mong
Cho ta ao ước đèo bòng nhớ thương
Làng quê hóa phố hóa phường                
Quê trong lòng phố phố vương vấn tình 

Đà Ly, Phong Lệ hiển linh
Ngàn năm sông núi trở mình xót xa
Dấu xưa thành quách Chămpa
Đôi tay Chiêm Nữ ngọc ngà khói sương

Đá mang hồn đá vô thường
Đất mang hồn đất vấn vương kiếp người
Đi trong ở, khóc trong cười
Gió còn mang lệ ra mời thế gian    

Bên sông nắng trỗ hoa vàng
Xin mời em hãy ghé sang hái về
Cùng ta thắp lửa chiều quê
Ru tình Phong Lệ vẹn thề Đà ly.

                                           22/02/2013
                                          Nhân Trần

        Chúc ngày thơ làng ta thành công tốt đẹp và chúc các nhà thơ của làng 12A3 có thêm nhiều tác phẩm mới trong Tết Nguyên Tiêu này.

                                                                                     22/2/2013
                                                                                     Lãng Zu



 






Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Quê


TẢN MẠN NGÀY XUÂN

Quê

                    Vài năm trở lại đây, cái từ “quê” nghe mới thật lạ làm sao và có vẻ như có một cái gì đó mang ý nghĩa trân trọng quý mến. Không như trước đó người ta nói đến từ quê mang hàm ý chê bai coi thường như “đồ nhà quê”, “quê một cục” “đồ quê mùa” và dí dõm hơn người ta dùng từ “lúa”, “hai lúa”. Hoặc có khi mình làm một việc gì đó có vẻ khác lạ khiến mọi người phật ý không đồng tình thì lại tự nhận là “mình thấy quê quá”, có khi thấy ai đó làm một việc ngồ ngộ thì “chọc quê”... có nghĩa là mình tự nhận mình “nông thôn quá”, rồi có khi tự thoát ly cố gắng lột xác mình để trở thành một “quê hóa” chính mình.
                    Nói đến “quê” là nói đến cái bản tính thật thà chất phát giản dị trong sáng và hồn nhiên, không điêu ngoa xảo trá,hiền lành như cái kiến con ve, như củ khoai hạt lúa. Nhưng do cuộc sống xã hội phát triển, cái bản tính ấy đã vượt ra khỏi lũy tre làng thì nó có biến dạng đi đôi chút, thậm chí có khi làm méo mó đi cái bản chất nguyên khai tốt đẹp để cố theo kịp sự phát triển của cuộc sống xã hội (Trừ phi bị bần cùng lưu manh hóa như Chí Phèo, Binh Chức, Binh Thọ của Nhà Văn Nam Cao). Và khi cuộc sống xã hội đã vượt xa cái hạn định vốn có thì nó lại quay trở về cái bản chất nguyên khai ban đầu.
                    Giá trị đích thực của cuộc sống chính là ở chỗ chân thực, không tô vẽ khoa trương. Không ai trong chúng ta là không vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của khoa học và kỹ thuật vì nó đã đem lại cho con người cuộc sống thật tiện nghi và hoàn hảo cả về lượng và chất nhưng lại mất an toàn. Người ta đã lợi dụng vào các thành tựu của khoa học và kỹ thuật đó vì mục đích lợi nhuận bất chấp tình người, làm cho cuộc sống của con người bị đe dọa một cách nghiêm trọng nhất là trong lĩnh vực thực phẩm và thuốc men cũng như môi trường. Con người đang đứng trước nguy cơ bằng mọi giá đạt cho bằng được mục đích lợi nhuận mà làm mất an toàn cho chính mình cũng như cho cộng đồng và cho môi trường thiên nhiên.
                    Chưa bao giờ con người lại bị những căn bệnh hiểm nghèo ngày càng nhiều do tiêu thụ những sản phẩm chất lượng cao dưới sự hỗ trợ của thành tựu khoa học kỹ thuật do chính con người làm ra chứa đầy những chất độc hại từ việc chăn nuôi trồng trọt đánh bắt và các sản phẩm tiêu dùng khác. Những sản phẩm ấy trở thành mối hiểm họa cho sức khỏe con người và từ đó người ta lại quay trở về những thứ dân dã mộc mạc chân quê vì phần lớn nó được bảo đảm tính an toàn. Nào là gạo quê,rau quê,hoa quả quê,gà quê, heo quê, bánh tráng quê, mắm quê và thậm chí lấy vợ quê… nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận sạch trơn những sản phẩm vật chất do ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật một cách chân chính.
                   Về mặt tinh thần và tình cảm thì nói đến “quê” tự nhiên ta thấy có một cái gì đó rất thiêng liêng gắn bó và gần gụi. Cái nguồn cội của chúng ta phần lớn bắt nguồn từ quê, tổ tiên ông bà chúng ta đều gắn bó với ruộng với vườn, với đồng lúa nương dâu, chỉ con cháu chúng ta lớn lên được học hành đi đây đi đó và thành đạt rồi lập nghiệp ở khắp nơi trên mọi miền đất nước để rồi từ đó manh nha một sự pha trộn về nếp cảm và nếp nghĩ trong tâm hồn. Cho nên ai cũng có cội có nguồn và khi đến ngày giỗ ngày chạp hay mồng năm ngày tết lại cùng nhau về quê thì mới thấy thân thương trìu mến làm sao.
                   Cung cách ứng xử trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày thì người thành phố hình như ít sâu sát một cách đến là tỉ mĩ có lẽ do ảnh hưởng bởi phong cách của cuộc sống phố thị sôi động và cả tác phong của lối sống hành chính cũng như công nghiệp. Vì thế cách nghĩ và cách nói cũng nhanh gọn đi ngay vào vấn đề cần truyền đạt mà không có sự rào đón một cách chỉn chu như người ở quê hay ẩn chứa bên trong một chút gì đó về cái gọi là mặc cảm quê mùa. Cái phong cách quê mùa là nghĩ sao nói vậy,ăn cục nói hòn nhưng người nhà quê lại rất chú trọng (Có khi đến là xét nét) về cái trình tự của cung cách ứng xử mà nỗi bật là cái lễ và cái nghĩa.Nên người ta có thể bắt bẽ hoặc chê trách khi chúng ta biểu hiện trong ứng xử thiếu đi một trong hai điều cơ bản ấy và nhiều người trong chúng ta cho rằng người ở quê quá khuôn phép khắt khe hay khó tính.
                    Rồi khi con người đã trãi qua những năm tháng va chạm với cuộc sống, cuộc đời đã bắt đầu thấy “mỏi gối chồn chân” để “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” thì lại muốn quay về quê để vui hưởng tuổi già,để được gần với quê hương nguồn cội, để được tắm mình trong thiên nhiên thì cái quê ấy mới đáng sống và đáng quý biết bao. Nhất là khi mà nhịp thở sôi động của thành phố cùng với cuộc sống cạnh tranh hối hả khốc liệt trong một không gian chung quanh là những nhà cao tầng thì cái không khí trong lành yên tỉnh êm ả ở các vùng quê mới tuyệt vời làm sao!
                     Hơn nữa nước ta là một nước nông nghiệp, cuộc sống tự ngàn xưa của tổ tiên ta cho đến ngày nay chúng ta vẫn trên cơ sở của nông nghiệp. Vì thế chúng ta phải làm sao để không  rơi vào tình trạng nhất bên trọng nhất bên khinh:trọng nông khinh công hay ngược lại mà phải trên cơ sở kết hợp phát huy những thành tựu của khoa học kỹ thuật để làm cho nền nông nghiệp nước ta phát triển một cách hài hòa cân đối mà vẫn giữu được cái bản sắc tốt đẹp vốn có của quê hương cả về lượng và chất.Chương Trình Xây Dựng Nông Thôn Mới của Nhà Nước và Chính Phủ ta hiện nay cũng chính là để nâng tầm vị thế của “Nhà quê” chúng ta lên một bước phát triển mới với thời đại mới.
                    Xin được khép lại những suy nghĩ vụng về nầy trong mấy ngày xuân qua lời của Đại Thi Hào Nguyễn Du khi kết thúc thiên Truyện Kiều của mình cũng vẫn không có gì là cao siêu cả:
                    “Lời quê chắp nhặt dông dài
                      Mua vui cũng được một vài trống canh”

                                                                                      Mồng 3 tết Kỷ Tỵ 2013
                                                                                                Mạc Nhân

Chiện phiếm đầu năm


Chiện phiếm đầu năm

                      Những cánh mai vàng đã bắt đầu rơi, không khí tết đã chuẩn bị đi theo cái mùng sau cuối và mùa xuân cũng đã nhẹ nhàng từng phút từng phút qua đi. Sau những ngày bận rộn tất bật để lo cho một cái tết ấm no hạnh phúc thì những sinh hoạt xã hội cũng đã dần dần trở lại nhịp sống bình thường. Sáng nay (mồng 8 tết) theo lệnh điều động của anh Mõ, tui lấy xe máy đèo lão Lý phóng ra quán cafee gần nhà anh thì đã thấy Tư Mắt kiếng và Mõ làng đang ung dung nhâm nhi cafee ở đó rồi. Ngồi chưa nóng đích và câu chiện “bao cấp” của Mõ làng về cô con gái đầu lòng chuẩn bị đi làm xa ở tận đâu Sè Gềnh đang làm cho anh no nắng, thì đã thấy Xuân Thảo và vợ chồng bác Cả Lê cũng vừa tới, ngặc nỗi quán chật quá nên lão Lý đề nghị rinh bàn ghế của quán ra vĩa hè ngồi cho thoáng và thế là cả bọn di tản ra lề đường. Nghe đâu anh Mõ có điều động cả cô nàng bán xôi nhưng do nhà cô nàng nhiều vàng quá sợ bỏ đi thì kẻ trộm sẽ vào khuân hết nên cô nàng lại từ chức (Ý lộn) là từ chối và “Thôi mời các bác đến nhà em chơi” cho chéc cái bụng.
                      Mới vừa yên cái bàn tọa thì bác Cả Lê đã đôi cái bao thuốc Mo -re to và dài có đến gang tay ra khủng bố Mỏ Lợi, rút ra hai điếu (một cho anh Mõ, một cho mình) châm lửa rít một hơi dài từ từ nhả khói rồi chỉ tay vào lão Lý và Tư Mắt Kiếng:
-      Chừ tao mới trị cái tội “Tệ ơi là tệ” của mấy đứa bay. Mấy đứa bay giỏi thiệt, dám cả gan đem việc riêng của nhà tau ra mà trêu đùa. Cái tội ni đáng đóng cọc thả sông chứ chẳng chơi.
                     Tui nghĩ bụng, mới đầu năm đầu tháng mà bác Cả làm căng dữ zậy ta, phen nầy có khi lão Lý và Tư Mắt Kiếng no đòn là cái chắc? Lão Lý thì ngồi im re, còn Tư Mắt Kiếng thì liền phản pháo:
-      Cái chiện tày trời như rứa mà hai bác chừ mới biết thì thiệt là quá muộn màng, và rất chi là thiếu sự quan tâm đến việc làng việc xã. Không những rứa mà hắn còn gọi điện thoại lừa cả ….
                    Tư Mắt Kiếng chưa núa hết nhời thì vợ chồng bác Cả đều hô hoán:
          - Tại cái nhà mạng Yahoo đóng cửa tiệm nên không zô được,mà ai biểu lão Quản gia không chịu hướng dẫn cụ thể chi? Đã thế mà cô chủ nhỏ Chiêu Anh Xuân Thảo cũng dà hùa theo nữa mới chết chớ:
          - Ừa! Tui cũng rứa, từ hồi nớ tới chừ tui có mở được mô?
                    Nồi đất wơi! Thiệt là tội và woan cho lão Quản gia nhà ta quá. Vì ngay từ khi nhà mạng Yahoo thông báo là sẽ đóng cửa tiệm vào ngày 17/12/2012 thì lão Quản gia đã lập tức làm thủ tục xin dời nhà qua nhà mạng mới là Blogspot, rồi âm thầm một thân một mình dời chuyển gần hết tài sản tinh thần của làng 12A3 mình về nơi ở mới đồng thời liên tục thông báo địa chỉ cùng đường đi nước bước về nhà Giao Mùa là: http://giaomua12a3.blogspot.com/. Rứa mà Trưởng Làng không động viên khen thưởng lại còn đòi đóng cọc thả sông thì thiệt là tội ơi là nghiệp!
                    Câu chiện đầu năm con rắn đang càng lúc càng hấp dẫn và có phần gay cấn, thì lão Lý có lẽ do sợ quá hay sao liền rụt rè giơ tay:
-      Dạ…em… xin có ý kiến ! Cà thì ba đứa chúng em đã phê rùi, giờ em xin phép bác Cả cùng các bác cho em về giữ nhà cho con bé nhà em đi Kỳ Tam City thăm bạn. Vì…
                    Lão Lý cũng chưa kịp trình bày hết lý do lý trấu thì bác Cả Lê lại phang luôn:
-      Chớ mụ Lý đâu? Còn mấy đứa nhỏ nhà cờ đỏ BaGa mô?
                    Lão Lý ấp a ấp úng
-      Mụ Lý nhà em thì đi mần từ sớm, cờ đỏ BaGa thì đưa vợ đi Sè Gềnh chữa bệnh từ sớm mồng 6 rùi,còn mấy đứa nhỏ thì đi chơi hết đâu hết trọi. Em phải zề trông nhà chớ lỡ bọn xấu zô rinh nhà đi thì mụ Lý nhà em zề nó giết em chết mất!
                    Không đợi mọi người có cho phép hay không, lão Lý đưa mắt ra hiệu cho thằng tui và chúng tôi liền lấy xe nổ máy rồi vù thẳng. Tui còn nghe bác Cả Lê núa vọng theo
-      Đúng là thầy trò nhà lão Lý, lúc mô cũng lăn xăn líu xíu như gà mắc đẻ.
                    Kể ra cuộc hội ngộ đầu năm tuy ngắn ngủi và ít ỏi nhưng cũng khá thú vị. Níu không có cái dụ zề giữ nhà của lão Lý biết đâu bác Cả Rề sẽ dẫn anh em kéo đi chúc tết bà con dân làng mình thì lúc đó tha hồ mà nâng lên để xuống mát xế ông địa ấy chớ.Đường hơi vắng người,tui rồ ga chạy quanh hồ “Nín thở” (Bàu Hạc), Lão Lý ngồi phía sau ôm chặt lấy tui sợ té vì tay lái lụa của tui nhưng cũng ráng thì thào trong gió.
           -Thôi chùn lẹ cho rùi, kẽo theo bác Cả Rề thì biết khi mô mới zề,mai còn phaỉ “thăng đường”sớm. Kể ra cũng hơi tiếc thật!
                     Không biết cuộc gặp gỡ ấy tiếp theo sẽ thế nào,nhưng níu có thì Tư Mắt Kiếng sẽ tường thuật trực tiếp, lo gì?

                                                                               Mồng Tám Tết Quý Tỵ

                                                                                            TÊ KA

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Tất niên


Tất niên

Thế là một năm con rồng sắp sửa qua đi, cuộc sống xã hội với bao đổi thay biến động bởi do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới làm kéo theo mọi thứ thêm khó khăn, rồi chiến tranh, rồi thiên tai dịch họa vân vân và vân vân.... càng làm cho con người càng thấy bất an lo lắng. Đó là toàn cảnh bức tranh kinh tế mà năm con rồng phải lao đao lận đận để vượt qua. Riêng ngôi nhà Giao Mùa của làng 12A3 của chúng ta cũng không nằm ngoài cái vòng lẫn quẩn đó, có lúc tưởng chừng như rơi vào bế tắc. May sao có lão Quản gia kiên tâm bền chí mới giữ được ngôi nhà Giao Mùa và cả cái vốn liếng ít ỏi của làng ta qua cuộc biến động của nhà mạng Yahoo hồi tháng 12 vừa rồi.
Ngày hết tết tới và cũng gọi là xưa bày nay bắt chước, hôm nay BBT Giao Mùa làm một mâm cổ văn hóa đơn sơ để tất niên và đón mừng năm mới Quý Tỵ 2013 trước khi lão Quản gia đóng cửa nhà ra về ăn tết với gia đình.
Ban Biên Tập trân trọng mời vợ chồng bác Cả, mời cái bao lãnh đạn và tàn thể bà con dân làng 12A3 cùng bạn bè thân hữu gần xa của Giao Mùa đến chung vui cùng chúng tôi. Xin kính chúc tàn thể quý vị một năm mới an khang thịnh vượng và vạn sự như ý. Xin mời, xin mời...!

Chầu xuân

Thấy người ta tết
mình cũng tết
Cũng xăn xí xọn
nhoắng tùng phèo
Chạy tới chạy lui làm như bận
Hóa ra trong dạ nặng đá đeo.
Nghe người ta hát
mình cũng hát
Cũng gào cũng thét
bỗng với trầm
Làm y như thể rành rõi lắm
Ai dè chẳng khác một gã câm.
Tết đến tết đi
rồi lại tết
Xuân đến xuân đi
xuân lại về
Mặc cái sự đời ganh với ghét
Mở lòng ra đón rắn chầu xuân.

                                       Đồ Gàn



Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Chúc mừng năm mới!

NHÂN DỊP XUÂN QUÝ TỴ 2013, GIAO MÙA CHÚCCÁC THẦY CÔ GIÁO, TOÀN THỂ BÀ CON DÂN LÀNG 12A3 VÀ BẠN BÈ GẦN XA MỘT NĂM MỚI AN KHANG, HẠNH PHÚC, THỊNH VƯỢNG!

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Liên hoàn Tết

Liên hoàn Tết


Tết nhứt năm nay chẳng có gì
Một năm cày cuốc chẳng ra chi
Rờ đâu bể đó lòng thêm rối
Trùm chăn xuân lại bắt ngủ khì.

Ác nỗi bên đời người cứ đi
Trăm hoa khoe sắc với xuân thì
Tiếng cười con trẻ như pháo tết
Thử hỏi ai còn có sầu bi?

Mặc kệ xuân đời có là chi
Lòng ta thanh thảng chẳng so bì
Xuân bước đến đâu vui đến đó
Vẫn rượu vẫn trà tỉ tì ti.

Bắt chước các ngài cổ lai hy
Tết đến xuân về đếch nghĩ suy
Gác bỏ ngoài tai niềm thế sự
Đón nàng xuân đến để thầm thì.

                                            Mạc Nhân

Chúc xuân

Chúc xuân

Thay mặt cho lão lý làng
Chúc bà con cô bác an khang xuân nầy
An vui hạnh phúc đủ đầy
Một năm Quý Tỵ gặp may muôn phần
Công nhân viên chức xa gần
Việc làm ổn định chuyên cần thưởng to
Đi buôn đi bán thuận đò
Hàng họ đắc khách chỉ lo thu lời
Chúc thầy cô giáo thảnh thơi
Về hưu vui hưởng cuộc đời thanh tao
Chúc các cháu khỏe hồng hào
Học hành tiến bộ vươn cao với đời
Chúc các bạn ở khắp nơi
Trên toàn thế giới một lời bình an
Xứ người đón tết muộn màng
Nhớ quê nhớ kiễng nhớ làng A ba
Tuy không lộng lẫy cờ hoa
Giao Mùa sum họp một nhà yên vui
Năm rồng tần tảo ngược xuôi
Bước sang năm rắn đẩy lùi khó khăn
Bớt phần trắc trở cách ngăn
Khủng hoảng thế giới về bằng số không
Đừng để khủng hoảng tấm lòng
Mọi người vui sống hòa đồng cùng nhau
Chúc cho đất nước mạnh giàu
Non sông gấm vóc nhiệm mầu Rồng Tiên
                                                          
                                                            Xuân Quý Tỵ 2013
                                                               
                                                                        TÊ KA

Hồi xuân

Hồi xuân

Xuân đi rồi lại xuân về
Tình xuân vẫn mãi tràn trề lòng ta
Tình yêu trẻ mãi không già
Tình đời thì lại thiết tha mời chào
Xuân tình ngỡ giấc chiêm bao
Xuân khai mỗi một trăng sao rót lời
Ta hồi xuân lại xuân ơi
Thử xem nhân thế đất trời buồn vui.

                                              Phù Dzu